1. Trang chủ
  2. Thông Tin Y Học
  3. Lão hóa là gì? Đâu là phương pháp chống lão hóa hiệu quả?

Lão hóa là gì? Đâu là phương pháp chống lão hóa hiệu quả?

Lão hóa là gì? Đâu là phương pháp chống lão hóa hiệu quả?

Trungtamthuoc.com - Lão hóa là một quá trình không thể tránh khỏi của cơ thể khi về già. Tuy nhiên hiện nay với nhiều yếu tố về lối sống, môi trường, quá trình lão hóa diễn ra nhanh hơn. Vậy lão hóa là gì? Có những phương pháp nào chống lão hóa? Hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy tìm hiểu về chủ đề này qua bài viết sau.

1 Lão hóa là gì?

Tạp chí khoa học uy tín Biogerontology định nghĩa: “ Lão hóa là khả năng tự bảo vệ, duy trì và sửa chữa của cơ thể ngày càng suy giảm để tiếp tục hoạt động hiệu quả”.

Ở cấp độ sinh học, lão hóa là kết quả của sự tích tụ nhiều loại tổn thương tế bào và phân tử theo thời gian. Điều này dẫn đến sự suy giảm dần dần năng lực  thể chất và tinh thần, nguy cơ mắc bệnh ngày càng tăng và cuối cùng là tử vong. 

Chống lão hóa chính là sử dụng các giải pháp khác nhau nhằm ngăn chặn sự lão hóa quá mức, lão hóa bệnh lý và giúp cơ thể hoạt động bền bỉ, các mô cơ quan duy trì được các chức năng của chúng.

2 Nguyên nhân gây ra lão hóa

Nguyên nhân gây ra lão hóa có thể là do yếu tố nội tại hoặc yếu tố ngoại tại

2.1 Yếu tố nội tại

Yếu tố nội tại chính là quá trình lão hóa của cơ thể từ bên trong, diễn ra theo thời gian và có thể được ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau. Đây là một phần tự nhiên của quá trình sống và thường đi kèm với sự thay đổi trong cấu trúc và chức năng của cơ thể.

Các yếu tố như tuổi tác, di truyền, mức độ hoạt động thể chất, và nhiều yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến quá trình lão hóa nội tại. Ngoài ra, các giai đoạn quan trọng trong cuộc sống như thai kỳ ở phụ nữ hoặc mãn kinh cũng có thể gây ra các biến đổi nội tiết và tác động đáng kể đến quá trình lão hóa.

2.2 Yếu tố ngoại tại

 Về yếu tố ngoại tại, nguyên nhân thường là do yếu tố môi trường hoặc lối sống sinh hoạt

2.2.1 Yếu tố môi trường

Tiếp xúc với ánh sáng là nguyên nhân hàng đầu gây lão hóa sớm:

Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời gây ra nhiều vấn đề về da. Ánh sáng tia cực tím (UV) và tiếp xúc với ánh sáng mặt trời làm lão hóa làn da của bạn nhanh hơn so với lão hóa tự nhiên. Tia UV làm tổn thương tế bào da, góp phần gây ra những thay đổi sớm như đốm đồi mồi. Việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời này cũng làm tăng nguy cơ ung thư da .

Ánh sáng nhìn thấy năng lượng cao (HEV) và tia hồng ngoại chịu trách nhiệm cho 10% thay đổi còn lại của da. Ánh sáng HEV (còn gọi là ánh sáng xanh) đến từ mặt trời và các thiết bị điện tử như điện thoại, tivi, máy tính. Ánh sáng hồng ngoại không làm tăng nguy cơ ung thư da nhưng chúng ảnh hưởng đến Collagen và độ đàn hồi của da.

Tia UV mặt trời có thể gây ra lão hóa da
Tia UV mặt trời có thể gây ra lão hóa da

2.2.2 Yếu tố lối sống

Một số thói quen sinh hoạt sẽ làm đẩy nhanh quá trình lão hóa sớm như:

Hút thuốc: Khi hút thuốc, chất độc trong nicotine sẽ làm thay đổi các tế bào trong cơ thể. Những độc tố này phá vỡ collagen và các sợi đàn hồi trong da của bạn, dẫn đến chảy xệ, nếp nhăn và khuôn mặt hốc hác.

Chế độ ăn uống không lành mạnh: Một số nghiên cứu cho thấy chế độ ăn nhiều đường hoặc carbohydrate tinh chế có thể gây lão hóa sớm. Mặt khác, chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả giúp ngăn ngừa sự thay đổi sớm của da.

Rượu: Uống quá nhiều rượu có thể làm mất nước và làm tổn thương làn da của bạn theo thời gian, dẫn đến các dấu hiệu lão hóa sớm.

Chất lượng giấc ngủ kém: Các nghiên cứu cho thấy chất lượng giấc ngủ kém (hoặc không đủ) khiến tế bào của bạn già đi nhanh hơn.

Căng thẳng: Khi bạn căng thẳng, não sẽ tiết ra cortisol, một loại hormone gây căng thẳng. Cortisol ngăn chặn hai chất giữ cho làn da của bạn trông căng mọng và tràn đầy sức sống là hyaluronan synthase và collagen.

3 Cơ chế gây ra quá trình lão hóa

Lão hóa là quá trình tăng tuổi của cơ thể và làm suy giảm chức năng của các tế bào, cơ quan, và hệ thống. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá trình lão hóa, và cơ chế chính của lão hóa vẫn chưa được hiểu đầy đủ. Tuy nhiên có một số cơ chế có thể gây ra quá trình lão hóa như sau: 

Tổn thương DNA: Tỉ lệ bị lỗi trong quá trình sao chép DNA tăng. Khi DNA bị tổn thương, tế bào có thể trải qua sửa chữa không đúng, dẫn đến đột biến và gây lão hóa.

Suy giảm chức năng tế bào: Sự giảm chức năng của tế bào là một phần quan trọng của quá trình lão hóa. Giảm khả năng tự sửa chữa và tự duy trì của tế bào.

Quá trình oxy hóa xảy ra nhanh: Sự tăng sản xuất các gốc tự do có thể gây tổn thương cho tế bào và protein, dẫn đến lão hóa. Môi trường oxi hóa không cân bằng có thể do nhiều nguồn, bao gồm cả tác động của tia tử ngoại và tác động của các hợp chất có chứa oxy.

Sự giảm chức năng của hệ thống miễn dịch:Hệ thống miễn dịch giảm hiệu suất theo thời gian, làm cho cơ thể trở nên dễ bị tấn công bởi vi khuẩn, virus và các yếu tố gây bệnh khác.

Giảm chất lượng và số lượng tế bào gốc: Tế bào gốc có khả năng tái tạo và sửa chữa tốt hơn, nhưng chúng cũng bị ảnh hưởng bởi quá trình lão hóa.

Giảm sản xuất hormone: Sự giảm sản xuất hormone, đặc biệt là hormone tăng trưởng, có thể gắn liền với quá trình lão hóa.

Quá trình cắt giảm telomere:Telomere là đầu chéo của chuỗi DNA ở các tế bào, và chúng ngắn đi theo thời gian. Khi telomere trở nên quá ngắn, tế bào có thể trải qua lão hóa hoặc tự hủy diệt.

Những yếu tố này thường hoạt động cùng nhau, và quá trình lão hóa là kết quả của sự tương tác phức tạp giữa chúng. Nghiên cứu về cơ chế lão hóa đang tiếp tục và còn nhiều khía cạnh chưa được hiểu rõ.

4 Các dấu hiệu cho thấy cơ thể bị lão hóa sớm

Lão hóa là quá trình cơ thể không thể tránh khỏi khi con người chúng ta già đi. Tuy nhiên nếu trước 40 tuổi, bạn có những dấu hiệu này thì khả năng cao bạn đã bước vào giai đoạn lão hóa sớm.

4.1 Da kém đàn hồi và xuất hiện nếp nhăn

Đây là tình trạng da bị mất collagen và elastin- hai loại protein quan trọng giữ cho da đàn hồi và săn chắc. Dấu hiệu xuất hiện trên da là da chảy xệ, sần sùi hoặc nhăn nheo. Các nếp nhăn, đặc biệt là quanh mắt, miệng và cổ, là hiện tượng thường gặp ở quá trình lão hóa vì da ở những vùng này trở nên mỏng hơn, khô hơn và kém đàn hồi hơn. Ngoài ra da có thể xuất hiện các vết đồi mồi, chân chim trên khuôn mặt.

Da kém đàn hồi và xuất hiện nếp nhăn là dấu hiệu điển hình của lão hóa da, điều này thường được thể hiện rõ hơn ở phụ nữ so với nam giới.

Da kém đàn hồi và xuất hiện nếp nhăn là dấu hiệu điển hình của lão hóa da
Da kém đàn hồi và xuất hiện nếp nhăn là dấu hiệu điển hình của lão hóa da

4.2 Mất khả năng ngủ sâu

Khi giấc ngủ của bạn không sâu giấc, cơ thể sẽ trở nên mệt mỏi, từ đó làm giảm khả năng tập trung làm việc cũng như năng suất lao động. Ngoài ra mất khả năng ngủ sâu giấc cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh lý như tim mạch, thần kinh, suy giảm hệ miễn dịch.

4.3 Suy giảm trí nhớ

Đây cũng là một dấu hiệu phổ biến của vấn đề lão hóa sớm. Triệu chứng suy giảm trí nhớ là quên trước quên sau,  mất một khoảng thời gian để nhớ việc mình định làm hoặc nhớ tên của người khác.

4.4 Tóc bạc sớm

Xuất hiện tóc bạc trước thời gian bình thường là một dấu hiệu của lão hóa sớm. Tóc bắt đầu mất màu tự nhiên và thay thế bằng sợi tóc màu trắng hoặc bạc. Tóc bạc thường bắt đầu xuất hiện ở những vùng nhất định của đầu, thường là ở phía trước hoặc ở gần đỉnh đầu. Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng áp lực tâm lý và căng thẳng có thể góp phần vào quá trình tóc bạc sớm.

4.5 Giảm khả năng thính giác và tầm nhìn

Đây là tình trạng khi chức năng của tai và mắt giảm sút. Việc sử dụng mắt liên tục trên các thiết bị điện tử, hay làm việc trong môi trường ánh sáng yếu có thể gây đau mắt và căng thẳng, ảnh hưởng đến tầm nhìn. Tiếng ồn môi trường và tiếng ồn làm việc cũng có thể góp phần vào việc giảm khả năng thính giác, đặc biệt là khi tiếp xúc với chúng trong thời gian dài.

4.6 Da dễ bị bầm tím

Da thường dễ bị bầm tím khi bạn bước qua tuổi 60. Vì khi đó, cấu trúc da mỏng hơn, các mạch máu cũng trở nên mỏng khiến cho cơ thể dễ bị bầm tím. Hầu hết các vết bầm tím đều vô hại và tự biến mất.

4.7 Xương khớp trở nên yếu hơn

Thường xuyên bị đau lưng, đau mỏi vai gáy cho thấy bạn có thể bị lão hóa sớm. Lối sống thụ động, lười vận động, ngồi nhiều và làm việc không đúng tư thế sẽ làm cho chức năng hoạt động của xương khớp trở nên ngày càng kém hơn.

5 Cách chống lão hóa tại nhà

Dưới đây là một số thói quen hàng ngày mà bạn có thể áp dụng, hỗ trợ cải thiện việc chống lại lão hóa sớm

Chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn đủ loại thức ăn giàu vitamin và khoáng chất. Tăng cường chế độ ăn chứa chất chống ô nhiễm và chống oxy hóa như quả Mâm Xôi, lựu, dâu tây.

Uống đủ nước: Nước giúp duy trì độ ẩm cho da và loại bỏ độc tố từ cơ thể.

Chăm sóc da hàng ngày: Sử dụng kem chống nắng để bảo vệ da khỏi tác động của tia UV. Sử dụng kem dưỡng ẩm để giữ cho da luôn mềm mại và đàn hồi.

Vận động thể chất: Tập thể dục đều đặn giúp cải thiện sự linh hoạt của cơ bắp và duy trì cân nặng khỏe mạnh. 

Giảm stress, căng thẳng: Các phương pháp giảm căng thẳng như thiền, yoga có thể giúp cải thiện tâm lý và giảm nguy cơ lão hóa.

Ngủ đủ giấc: Ngủ đủ giấc giúp cơ thể hồi phục và sản xuất hormone tốt cho làn da.

Tránh hút thuốc và giảm uống rượu: Thuốc lá và rượu có thể tăng tốc quá trình lão hóa, vì vậy hạn chế hoặc tránh những thói quen này.

Cách chống lão hóa tại nhà
Cách chống lão hóa tại nhà

6 Phương pháp đẩy lùi lão hóa 

Để tránh lão hóa sớm, phòng ngừa là chìa khóa cốt lõi thông qua duy trì lối sống lành mạnh. Nhưng nếu các dấu hiệu lão hóa sớm của bạn gây khó chịu, những phương pháp điều trị này có thể giúp đẩy lùi các dấu hiệu lão hóa sớm.

Phương pháp đẩy lùi lão hóa
Phương pháp đẩy lùi lão hóa 

6.1 Mỹ phẩm chống lão hóa

Một số thực phẩm chức năng hoặc kem dưỡng có chứa các thành phần Collagen, vitamin E, Cucurmin, Vitamin A, Niacinamide. Các sản phẩm này sẽ được sử dụng như phương pháp chống lão hóa da mặt, sẽ giúp khắc phục phần nào các yếu tố bên ngoài như làn da của bạn. Ngoài ra bạn cũng có thể tham khảo các liệu pháp xâm lấn như peel da, tia laser để cải thiện các vấn đề như nám, tàn nhang, vết đồi mồi trên da.

6.2 Chất chống oxy hóa

 Các chất như Vitamin C, vitamin E, và coenzyme Q10 được cho là có khả năng ngăn chặn tác động của các gốc tự do, giảm stress oxy hóa và làm chậm quá trình lão hóa.

6.3 Liệu pháp hormone thay thế

Khi phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh, các hormone nội tiết tố trong cơ thể như estrogen và Progesterone bị suy giảm sản xuất. Liệu pháp hormone thay thế là là thuốc có chứa nội tiết tố nữ giúp cân bằng hormone trong cơ thể, từ đó có thể giúp kiểm soát một số triệu chứng lão hóa và bảo vệ sức khỏe xương.

6.4 Thuốc ức chế hormone tăng trưởng GH (Pegvisomant)

Pegvisomant (Somavert)- một loại thuốc để điều trị bệnh to cực, là chất đối kháng thụ thể GH. Nó ức chế hoạt động của GH bằng cách liên kết và ngăn chặn thụ thể GH. Pegvisomant có tác dụng tích cực đối với cả tuổi thọ và sự đẩy lùi lão hóa bằng cách tăng độ nhạy Insulin và giảm mức IGF-1. Tuy nhiên sử dụng Pegvisomant có thể gây ra men gan tăng cao.

6.5 Kích hoạt Sirtuin pathway (Resveratrol)

Sirtuins là các protein deacetylase điều chỉnh quá trình trao đổi chất, phản ứng với căng thẳng và quá trình lão hóa, và chúng được cho là có vai trò trung gian trong tác dụng kéo dài tuổi thọ.. Kích hoạt Sirtuin bằng Resveratrol có thể có tác dụng kéo dài tuổi thọ cũng như và làm giảm bớt các bệnh chuyển hóa .Resveratrol được tìm thấy trong nho, rượu vang đỏ, đậu phộng, được cho là có khả năng chống lão hóa và bảo vệ tim mạch. [1]

6.6 Ức chế mTOR (đích của rapamycin ở động vật có vú)

mTOR là một enzyme kinase đóng vai trò tham gia vào quá trình hình thành, tăng sinh và phát triển các tế bào khối u. Rapamycin hoạt động như chất ức chế mTOR. Nó được sử dụng để ngăn chặn sự phát triển của tế bào, đặc biệt là trong quá trình cản trở quá trình tự miễn dịch. Vào năm 2009, trong một nghiên cứu in vivo, các nhà khoa học đã nghiên cứu trên chuột và thấy rằng tuổi thọ của những con chuột trưởng thành tăng 6 - 9% khi sử dụng Rapamycin. Tuy nhiên, dù đã có nhiều thử nghiệm nhưng các nhà nghiên cứu vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng về việc sử dụng Rapamycin lâu dài để chống lão hóa.

6.7 Kích hoạt AMP Protein Kinase (thuốc Metformin)

Metformin là một loại thuốc thường được sử dụng với mục đích điều trị tiểu đường tuýp 2, nhưng cũng đang được nghiên cứu về khả năng giảm lão hóa và tăng tuổi thọ.

Nó hoạt động như một chất nhạy cảm với insulin và thực hiện hoạt động trao đổi chất chủ yếu ở gan. Ngoài tác dụng điều hòa Glucose, Metformin còn được chú ý nhờ tác dụng đa hướng và hoạt động ở nhiều loại mô, chẳng hạn như cơ, mô mỡ, buồng trứng, nội mô và não và cân nặng giảm do tác động trực tiếp của Metformin lên các trung tâm vùng dưới đồi điều chỉnh cảm giác no; nó cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất và tế bào liên quan đến sự phát triển của các tình trạng lão hóa bệnh lý chẳng hạn như viêm gan nhiễm mỡ, lão hóa tế bào, ung thư. Một số nghiên cứu đã cho thấy vai trò của Metformin trong việc cải thiện tuổi thọ và sức khỏe ở các mô hình động vật khác nhau. Tuy nhiên hiện nay chưa có nhiều nghiên cứu về tác dụng chính của Metformin được chứng minh lâm sàng về chống lão hóa cho cơ thể.[2]

6.8 Probiotic 

Trong Probiotic có chứa Nitrobacter, Lactobacillus và Bifidobacteria, do đó nó có thể khôi phục cân bằng nội môi đường ruột bằng cách cải thiện các rối loạn hệ vi sinh vật đường ruột và sửa chữa tổn thương niêm mạc ruột. Từ đó hạn chế các bệnh lý đường ruột và hỗ trợ hệ miễn dịch. Nó cũng có ảnh hưởng tích cực đến việc khắc phục tổn thương da, như chức năng tế bào da bất thường, sắc tố, giảm collagen, ..

Vitamin D

Vitamin D là một loại vitamin đóng vai trò quan trọng như một chất dinh dưỡng có khả năng tác động đến quá trình lão hóa ở cấp độ tế bào/phân tử với nhiều tác động đa dạng. Thiếu vitamin D có thể dẫn đến việc tăng nguy cơ phát triển nhiều bệnh lý, từ bệnh thần kinh đến ung thư, béo phì, tiểu đường và rối loạn chuyển hóa, bệnh tim mạch, bệnh tự miễn, nhiễm trùng và các bệnh liên quan đến mãn kinh. Đặc biệt, vitamin D tác động lên hệ thống miễn dịch hoặc hoạt động liên quan đến miễn dịch của một số mô, chẳng hạn như cơ xương hoặc tim. Do đó việc bổ sung vitamin D là rất cần thiết cho việc chống lão hóa. Bạn có thể bổ sung vitamin D từ các thực phẩm tự nhiên như cá, hải sản, lòng đỏ trứng hoặc một số thực phẩm chức năng có chứa vitamin D. [3]

7 Thực phẩm chống lão hóa hiệu quả

Trong thực phẩm tự nhiên có chứa rất nhiều loại thực phẩm chứa các chất chống lão hóa. Các thực phẩm này thường chứa các chất chống oxy hóa, kháng viêm, các vitamin, hỗ trợ quá trình tăng sinh tế bào và đẩy lùi bệnh tật.

Thực phẩm chống lão hóa hiệu quả

Thực phẩm chống lão hóa hiệu quả

7.1 Quả việt quất 

Một nghiên cứu năm 2019 đã xem xét nghiên cứu về lợi ích sức khỏe của quả việt Quất và nhận thấy chúng có các đặc tính hỗ trợ nhiều khía cạnh của quá trình lão hóa. Trong quả việt quất có chứa chất chống oxy hóa có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa. Những tác dụng như vậy thúc đẩy các chức năng đường huyết, và trao đổi chất. Chúng cũng giúp giảm tác động của lão hóa lên thị lực và trí tuệ.

7.2 Rau xanh

Nghiên cứu từ năm 2018 đã phát hiện ra rằng một khẩu phần rau lá xanh hàng ngày có thể giúp làm chậm quá trình suy giảm nhận thức do lão hóa. Trong rau xanh có chứa các chất như phylloquinone- một trong những vitamin K folate và kaempferol α-tocopherol, một trong những Vitamin E nitrat tự nhiên. Ví dụ về các loại rau lá xanh bao gồm: rau bina, cải xoăn, rau Diếp Cá.

7.3 Quả bơ 

Một nghiên cứu thí điểm năm 2022 với 39 phụ nữ cho thấy rằng tiêu thụ một quả bơ mỗi ngày trong 8 tuần có thể tăng cường độ săn chắc và đàn hồi cho da. Bơ là nguồn cung cấp axit béo không bão hòa đơn tốt, chẳng hạn như axit oleic. Chúng cũng chứa: chất chống oxy hóa ZeaxanthinLutein Vitamin A vitamin E folate niacin, vitamin B. 

7.4 Dầu ô liu

Nghiên cứu dầu ô liu từ năm 2019 với hơn 3.000 người tham gia báo cáo rằng dầu ô liu có thể ảnh hưởng đến một loạt dấu hiệu lão hóa. Người ta phát hiện ra rằng việc sử dụng dầu ô liu giúp giảm lão hóa tốt ở những người trên 70 tuổi, bao gồm cả việc giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tuổi tác. Dầu ô liu, đặc biệt là dầu ô liu nguyên chất, rất giàu chất béo không bão hòa và cũng chứa chất chống oxy hóa. 

7.5 Cá hồi 

Tiêu thụ cá lâu dài có liên quan đến việc hỗ trợ suy giảm nhận thức. Một nghiên cứu năm 2020 lưu ý rằng cá hồi rất giàu: axit béo, omega-3, khoáng chất, protein, vitamin A, vitamin D, Vitamin B12, niacin. 

7.6 Trà xanh 

Trà Xanh có thể giúp hỗ trợ quá trình lão hóa của da và não do nó giàu chất chống oxy hóa Một số hợp chất có lợi trong trà xanh bao gồm chất chống oxy hóa epigallocatechin gallate và các axit amin Arginine và theanine. 

7.7 Các loại hạt 

Một đánh giá năm 2021 về việc tiêu thụ các loại hạt ở người lớn tuổi đã tìm thấy bằng chứng cho thấy nó hỗ trợ quá trình lão hóa. Kết quả chỉ ra rằng tiêu thụ hạt lâu dài - đặc biệt khi là một phần của chế độ ăn uống bổ dưỡng - có thể làm giảm sự suy giảm nhận thức. Dữ liệu cũng cho thấy các loại hạt có thể giúp giảm tình trạng mất mô cơ xảy ra trong quá trình lão hóa. Đánh giá trên được xây dựng dựa trên kết quả của một nghiên cứu năm 2017 với sự tham gia của 5.582 người trưởng thành, cho thấy việc tiêu thụ các loại hạt có thể làm giảm lão hóa sinh học.

7.8 Sữa chua 

Sữa chua là một loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng có chứa men vi sinh, là những chủng vi khuẩn có lợi giúp tăng cường sức khỏe đường ruột. Một bài đánh giá năm 2014 đã khám phá giá trị của sữa chua trong việc hỗ trợ quá trình lão hóa. Mặc dù nghiên cứu về chủ đề này còn sơ bộ và hạn chế nhưng kết quả rất triển vọng.. Những lợi ích có thể có có thể bao gồm cải thiện sức khỏe xương ở người lớn tuổi, giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính và tăng cường khả năng miễn dịch. 

7.9 Mật ong 

Đánh giá năm 2019 đã đánh giá các nghiên cứu trên ống nghiệm, động vật và con người về tác dụng của mật ong và nhận thấy rằng nó có thể có khả năng bảo vệ chống lại sự suy giảm nhận thức của quá trình lão hóa. Mật Ong thô có thể hỗ trợ quá trình lão hóa vì nó chứa: chất chống oxy hóa, vitamin, axit amin, protein. Đây là những dưỡng chất có tác dụng hiệu quả cho việc chống lại sự lão hóa. 
 

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Tác giả Xiao Meng và cộng sự, Ngày đăng 14 tháng 03 năm 2020, Health Benefits and Molecular Mechanisms of Resveratrol: A Narrative Review, NCBI. Truy cập ngày 29 tháng 11 năm 2023
  2. ^ Tác giả Marta G. Novelle, Ngày đăng tháng 03 năm 2016, Metformin: A Hopeful Promise in Aging Research, NCBI. Truy cập ngày 29 năm 2023
  3. ^ Tác giả Cristina Fantini và cộng sự, Ngày đăng tháng 03 năm 2023, Vitamin D as a Shield against Aging, NCBI. Truy cập ngày 29 tháng 11 năm 2023

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
    (Quy định duyệt bình luận)
    0/ 5 0
    5
    0%
    4
    0%
    3
    0%
    2
    0%
    1
    0%
    Chia sẻ nhận xét
    Đánh giá và nhận xét
      vui lòng chờ tin đang tải lên

      Vui lòng đợi xử lý......

      hotline
      0868 552 633
      0 SẢN PHẨM
      ĐANG MUA
      hotline
      1900 888 633