Cây Đại (Miến Chi Tử)

0 sản phẩm

Cây Đại (Miến Chi Tử)

Ngày đăng:
Cập nhật:

Phân loại khoa học
Giới(regnum)

Plantae (Thực vật)

Angiospermae (Thực vật có hoa)

Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự)

Asterids (Nhánh hoa Cúc)

Bộ(ordo)

Gentianales (Long đởm)

Họ(familia)

Apocynaceae (Trúc đào)

Chi(genus)

Plumeria

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Plumeria rubra L.var. acutifolia (Poir.) Bailey.

Danh pháp đồng nghĩa

Plumeria acutifolia Poir.

Cây hoa Đại có tên khoa học là Plumeria rubra L.var. acutifolia (Poir.) Bailey. Cây Đại thường được trồng để làm cảnh, hoa đẹp, có mùi thơm, được dùng làm thuốc. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết về cây hoa Đại

1 Giới thiệu về cây Đại

Tên khoa học: Plumeria rubra L.var. acutifolia (Poir.) Bailey.

Tên đồng nghĩa: Plumeria acutifolia Poir.

Tên gọi khác: Sứ Cùi, Bông Sứ, Hoa Đại, Hoa Chăm Pa, Miến Chi Tử.

Họ thực vật: Trúc đào Apocynaceae.

1.1 Đặc điểm thực vật

Hình ảnh hoa của cây Đại
Hình ảnh hoa của cây Đại

Đại thuộc dạng cây nhỡ, chiều cao từ 3 đến 7 mét. Thân đứng, các cành thuộc dạng lưỡng phân hoặc tam phân.

Cành có đường kính to nhưng dễ gãy, trên vỏ cành xuất hiện nhiều vết sẹo do lá rụng.

Phiến lá dày, lá mọc so le nhưng lá thường tụ tập ở đầu cành. Phiến lá có dạng hình mác, gốc lá thuôn, đầu lá nhọn. Mặt trên của lá có màu xanh sẫm, mặt dưới của lá có màu nhạt hơn. Gân lá có dạng hình lông chim, điểm đặc biệt của cây Đại là các đầu gân phụ sẽ được nối với nhau tạo nên một mạng lưới mép gân rõ. Chiều dài của lá khoảng 20 đến 25cm, chiều rộng của lá từ 5-6cm.

Cụm hoa mọc thành xim ở đầu cành, thường phân nhánh 2-3 lần. Hoa có màu trắng và vàng, phần màu trắng ở bên ngoài, phần màu vàng ở bên trong, hoa thơm.

Đài nhỏ, tràng 5, nhị 5 đính vào ống tràng, chỉ nhị rất ngắn.

Bầu gồm 2 lá noãn riêng biệt.

Quả gồm 2 đại dính vào nhau, khi quả chín có màu đen nâu.

Hạt thuôn.

Toàn cây có nhựa mủ trắng.

Ngoài ra, còn có cây Đại Hoa Đỏ (tên khoa học là Plumeria rubra L.).

Mùa hoa quả rơi vào tháng 5 đến tháng 8.

1.2 Cây dễ nhầm lẫn

Loài Plumeria obtusifolia L. có cành lá xum xuê, cây to, chiều dài lá khoảng 30cm, chiều rộng khoảng 10cm. Hoa to, khi nở cánh thường hơi cong xuống.

1.3 Thu hái và chế biến

Hoa Đại có màu trắng và vàng
Hoa Đại có màu trắng và vàng

Bộ phận dùng: Vỏ thân, vỏ rễ, hoa, nụ hoa, lá tươi.

Chế biến: Vỏ thân và vỏ rễ phơi nắng để dùng dần hoặc đem sao vàng để dùng ngay. Hoa đem phơi khô.

1.4 Đặc điểm phân bố

Chi Plumeria L. trên thế giới có khoảng 40 loài, phân bố chủ yếu ở các khu vực nhiệt đới. Đại là cây có nguồn gốc ở Mexico, sau được trồng ở các nước nhiệt đới.

Đại là cây được trồng từ lâu tại các đình chùa và những nơi công cộng. Cây có đặc điểm là ưa sáng, có khả năng chịu hạn tốt, ít cần chăm sóc. Tuy nhiên, do bản chất là cây nhiệt đới nên không thích hợp để trồng ở các nơi có khí hậu lạnh.

Cây có khả năng tái sinh vô tính, những cây được trồng từ cành sau 1 năm có thể ra hoa. Cây càng phát triển càng có nhiều hoa.

Cây Đại có quả không? Đại thường được tìm thấy ở các tỉnh thuộc phía Bắc nước ta, hoa nhiều, không đậu quả, thường rụng lá vào mùa đông. Tuy nhiên, một số cây ở miền Nam đôi khi cũng thấy đậu quả.

2 Thành phần hóa học

Cụm hoa Đại
Cụm hoa Đại

Vỏ thân chứa:

  • Các hợp chất triterpen kiểu ursen và olcanen.
  • Các hợp chất iridoid.
  • Các flavan 3 ol glucoside.

Cành cây chiết được một lupin alcaloid có tên gọi là plumerinin (V).

Rễ cây chứa các iridoid.

Lá cây chứa các hợp chất triterpen, plumeral, acid plumeric.

Tinh dầu cất và chiết từ hoa của cây đem đi phân tích bằng phương pháp sắc ký khí và sắc ký khí khối phổ thấy có 74 thành phần.

Một số tài liệu khác ghi chép rằng, trong cây Đại còn chứa lupeol, agoniadin, scopletin, stigmasterol.

3 Tác dụng - Công dụng

3.1 Tác dụng dược lý

3.1.1 Tác dụng kháng khuẩn

Viện Vệ sinh dịch tễ và Viện Y học dân tộc trung ương đã xác định rằng, lá hoa và rễ của cây đều có tác dụng kháng khuẩn.

Nước ép từ lá tươi của cây Đại đã được chứng minh có tác dụng đối với các chủng Shigella dysenteriae, Staphylococcus aureus, Bacillus subtilis.

3.1.2 Tác dụng hạ huyết áp

Dịch chiết của hoa Đại theo tỷ lệ 1:1 sau khi tiêm tĩnh mạch của chuột cống trắng, chó, mèo và thỏ cho thấy tác dụng hạ huyết áp.

Khi sử dụng với liều 0,5g/kg thể trọng, người ta thấy rằng, sau nửa phút thấy tác dụng hạ huyết áp và kéo dài trong vòng 5 phút.

3.1.3 Vỏ cây hoa Đại có tác dụng gì?

Vỏ thân của cây có tác dụng kích thích, hạ đường huyết.

Nước sắc từ vỏ thân của cây có tác dụng hạ sốt, tẩy sổ, nhuận tràng.

3.1.4 Tác dụng khác

Rễ cây hoa Đại có tác dụng tẩy mạnh, độc với súc vật.

Nhựa mủ có tác dụng xung huyết da nhưng có thể gây ngộ độc khi sử dụng liều cao.

Tinh dầu của hoa có tác dụng chống nấm.

Nhân dân Ấn Độ nhai nụ hoa cùng với lá Trầu Không để làm thuốc hạ sốt.

3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền

Hình ảnh lá cây
Hình ảnh lá cây

3.2.1 Tính vị, tác dụng

Tính vị:

  • Vỏ thân và rễ có vị đắng, tính mát.
  • Hoa có vị ngọt, tính bình.

Tác dụng:

  • Vỏ thân và rễ có tác dụng thanh nhiệt, tiêu thũng, tả hạ.
  • Hoa có tác dụng thanh nhiệt, trừ ho, trừ thấp, tiêu đờm, lương huyết.
  • Lá có tác dụng tiêu viêm, hành huyết.
  • Nhựa mủ của cây có tác dụng làm mềm, dùng cho các trường hợp bị chai chân.

3.2.2 Công dụng

Vỏ cây dùng để làm thuốc nhuận tràng, chữa táo bón, bí đại tiểu tiện: Sử dụng 4-5g vỏ thái mỏng, sao thơm, đem sắc với 200ml nước, chia làm 3 lần uống trong ngày để làm thuốc nhuận tràng, để tẩy dùng liều 5-10g sắc lấy nước uống tương tự.

Những người làm thuốc ở Kim Sơn (Ninh Bình) thường dùng vỏ cây Đại để sắc hoặc hãm lấy nước uống chữa phù thận, mỗi ngày uống 3-4 lần để có kết quả tốt nhất.

Hoa Đại khô đem sắc lấy nước uống để trị cao huyết áp, rối loạn mạch, điều trị tăng huyết áp.

Nhân dân Campuchia sử dụng hoa Đại cho những trường hợp bị hắc lào.

Nhựa lấy từ lá, vỏ cây và hoa của cây với liều 0,4 đến 0,8g, hòa với nước đun sôi, để nguội, uống 3 lần mỗi ngày có tác dụng tẩy với hiệu quả tương tự như vỏ thân.

Có thể sử dụng nhựa cây để bôi ngoài chữa mụn nhọt, sưng tấy, chai chân.

Nhân dân Thái Lan sử dụng nhựa cây trộn với dầu dừa cho những trường hợp bị viêm khớp.

4 Một số cách trị bệnh từ cây Đại

Công dụng hạ huyết áp từ cây Đại
Công dụng hạ huyết áp từ cây Đại

4.1 Chè giảm áp an thần (Viện Quân y 108)

100g hoa Đại khô thái nhỏ.

50g hoa Cúc Vàng khô thái nhỏ.

50g Hoa Hòe sao vàng.

50g hạt Quyết Minh sao đen.

Các vị đem tán thành bột, đóng thành từng gói 10g, mỗi ngày hãm 1-2 gói uống thay nước chè.

4.2 Chữa táo bón

50g vỏ Đại sao vàng với 50g cám gạo.

Đen tán nhỏ, rây lấy bột mịn.

Trộn cùng hồ để tạo viên, mỗi viên có trọng lượng 0,5g.

Người lớn uống 15 viên/ngày.

Trẻ em 5-9 tuổi: Uống 5 viên/ngày.

Trẻ từ 10-15 tuổi: 10 viên/ngày chia làm 2 lần.

Uống cùng nước đun sôi để nguội.

4.3 Vỏ cây hoa Đại chữa đau răng

12-20g vỏ rễ của cây Đại.

200ml rượu.

Ngâm trong 30 phút.

Ngậm mỗi ngày 2 lần rồi nhả ra, không được nuốt.

Kiêng kỵ: Phụ nữ có thai, người tiêu chảy.

5 Giá của cây hoa Đại trắng là bao nhiêu?

Giá của cây hoa Đại trắng tùy thuộc vào kích thước của cây, có thể dao động từ vài trăm đến vài triệu đồng một cây.

6 Tài liệu tham khảo

Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1. Đại, trang 719-722. Truy cập ngày 23 tháng 4 năm 2024.

Các sản phẩm có chứa dược liệu Cây Đại (Miến Chi Tử)

1/0
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

hotline
0868 552 633
0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633