Con Cóc

0 sản phẩm

Con Cóc

Ngày đăng:
Cập nhật:

Con Cóc cho các vị thuốc dùng trong Đông y như thịt cóc là thiềm thử, nhựa cóc là thiềm tô với nhiều công dụng như thịt có tác dụng bổi bổ sức khỏe, nhất là đối với trẻ em, nhựa giúp bổ dương, chống co giật, thanh nhiệt. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Con Cóc.

1 Giới thiệu về Con Cóc

Con Cóc hay Cóc Nhà, có danh pháp khoa học là Bufo melanostictus Schneider, thuộc họ Cóc - Bufonidae.

Riêng vị thuốc thiềm tô còn có tên khoa học là Secretio Bufonis là nhựa tiết ở tuyến sau tai và tuyến trên da của con cóc và những con cùng chi chế biến mà thành. Vị thuốc này có độc và thuộc nhóm thuốc độc bảng A.

Ngoài nhựa, thịt cóc cũng được dùng làm thuốc chữa bệnh cam còm của trẻ con.

2 Mô tả

Thân cóc ngắn, đầu có hai mắt to, lồi, mõm ngắn tù, miệng rộng, bụng phình to. Da khô, sần sùi với những mụn to nhỏ xen kẽ, hai tuyến lớn ở trên mắt; trong mụn và tuyến có chất nhựa độc. Hai chân sau dài và chắc hơn hai chân trước. Lưng màu vàng xám hoặc xám đen, các mụn cóc thường sẫm màu. Cóc đực nhỏ hơn cóc cái. 

Hình con cóc
Hình con cóc

Loài cóc rừng (Bufo galeatus Gunther) sống ở miền núi cũng được dùng. 

2.1 Phân bố, sinh thái 

Cóc là loài lưỡng thể, có thể sống được ở trên cạn và dưới nước, phân bố chủ yếu ở châu Á.

Ở Việt Nam, cóc sống ở khắp nơi, những chỗ ẩm ướt như ruộng, nương, hốc đá, khe tường.....

Sau những trận mưa, cóc nhảy ra khỏi hang rất nhiều, đi kiếm ăn từ xẩm tối. Thức ăn của cóc gồm châu chấu, gián, kiến, ếch nhỏ, nhặng, muỗi,  giun đất, mối,...

Cóc đẻ vào tháng 11 - 6, trứng nổi nở thành nòng nọc, sống trong nước, rồi rụng đuôi, mọc chân thành cóc.

Cóc rất có ích cho nhà nông. Thường bắt cóc vào mùa hè. 

3 Cách chế biến 

Thịt cóc có tên thuốc trong y học cổ truyền là thiềm thử, phơi hay sấy khô là can thiềm; nhựa cóc là thiềm tô. 

3.1 Cách chế biến thịt cóc

  • Chọn những con cóc to, da vàng hoặc đen, loại bỏ những con có mắt đỏ (theo kinh nghiệm nhân dân).
  • Dùng dao sắc cắt bỏ đầu (từ hai mắt trở lên), rạch một đường dọc theo sống lưng, lột hết da (cần hết sức thận trọng, tránh làm vỡ các tuyển nhựa độc), rồi mổ bụng, cắt bỏ ruột, gan, phổi và trứng, chặt bỏ bốn bàn chân.
  • Rửa nước nhiều lần cho thật sạch và lần cuối cùng rửa bằng nước nóng có pha muối với tỷ lệ 0,9% rồi sấy khô.

3.2 Cách lấy nhựa cóc

  • Cho cóc vào giọ trẻ, dội nước nhiều lần để rửa sạch đất cát bám trên mình cóc.
  • Đợi cho da khô, bắt cóc giữ chân, dùng nhíp đè lên những tuyến nhựa, nhất là tuyến ở trên mắt, hoặc dùng que tre kích thích vào tuyến nhựa. Cũng có thể buộc cóc nằm sấp trên một mảnh ván, lấy que vụt vào lưng, đầu cho các tuyến mủ chương lên. Dùng mũi dao nhọn chọc vào các tuyến. Nhựa sẽ chảy ra.
  • Hứng vào đĩa sứ hoặc thuỷ tinh, rồi phơi hay sấy khô. Người ta đã tính muốn có 1 kg nhựa cóc, phải dùng đến 20.000 - 30.000 con cóc. Nhựa cóc là một chất nhầy màu trắng như sữa, để khô thì đóng vảy màu nâu vàng.

Ở Việt Nam, việc thu hoạch nhựa các chưa được tổ chức quy mô, mà lẻ tẻ trong nhân dân ở một số ít người tự lấy để sử dụng. 

Dược điển đông y Trung Quốc phân biệt và xác định thiềm tô như sau: Do cách gia công khác nhau mà nó có hình khối tròn dẹt, hình bánh, hình phiến hoặc hình quân cờ. Mặt ngoài sáng bóng, có thứ không phẳng, màu vàng nhạt, đỏ tía hay đen nâu. Thứ kết thành khối hay thành bánh thì cứng chắc, khó bẻ gãy, mặt bẻ cắt ngang màu nâu chè, chất tựa như keo, có óng ánh. Thứ hình phiến thì giòn, dễ bẻ gãy, màu nâu đỏ, nửa trong suốt, hơi có mùi tanh, ngửi làm hắt hơi, vị tê cay, gặp nước sẽ sủi bọt và loang ra thành dịch sữa màu trắng.

Thiềm tô còn được bào chế sao tẩm với rượu trắng để được tửu thiềm tô hoặc sữa bò tươi để được nhũ thiềm tô. 

4 Con cóc có độc không? Da cóc có độc không?

Thịt cóc không độc, nhưng da cóc và toàn bỏ gan, ruột, trứng đều rất độc vì chứa nhựa độc.

Nhựa cóc dính vào tay nhiều lần liên tục sẽ gây rộp da, rồi thành lở loét; do đó, những người chuyên làm thịt cóc để chế thuốc cam cóc, phải đeo găng tay để bảo vệ da.

Nếu để nhựa cóc dây vào mắt, nhựa sẽ làm mắt sưng đau, có thể gây tổn thương.

Nhựa cóc dính vào thịt dễ làm cho người ăn thịt cóc bị nhiễm độc dẫn đến thiệt mạng. Nguy hiểm hơn là đối với những bàn tay bị xây xát, thương tổn, nhựa các dính vào sẽ đưa chất độc ngấm thẳng vào máu, tác dụng trực tiếp và rất nhanh.

Gan cóc, trứng cóc cũng đã gây độc cho một số người ăn nhầm phải. 

Da, trứng và nội tạng cóc rất độc
Da, trứng và nội tạng cóc rất độc

5 Thành phần hoá học 

Thịt cóc chứa 53,3% protid, trong đó, nhiều acid amin có giá trị như histidin, tyrosin, methionin, leucin, phenylalanin, Cystein.... 12,6% lipid, các Vitamin B1, B2, các muối Sắt, phosphor, calci. So với các loại thịt cao cấp như bò, lợn, gà thì thành phần đinh dưỡng của thịt cóc không kém. 

Nhựa cóc chứa cholesterol, Acid Ascorbic và những chất rất độc như bufotoxin, bufoalin, bufotenin, bufotendin và nhiều chất khác.

Các nhà nghiên cứu Liên Xô trước đây đã tách dược chất cynobufagin từ nhựa cóc. 

6 Tính vị, công năng 

Thịt cóc có vị mặn, ngọt, tính mát, có tác dụng bồi bổ sức khỏe, nhất là đối với trẻ em, tiêu độc. 

Nhựa cóc có vị ngọt, cay, tính ấm, có độc, vào kinh vị, có tác dụng bổ dương, chống đinh sang, co giật, thanh nhiệt. 

7 Công dụng 

7.1 Thịt cóc

Thịt cóc ăn ngon và đậm hơn thịt ếch, lại có giá trị dinh dưỡng rất cao, là một vị thuốc bổ rất tốt cho trẻ em, chữa kém ăn, gầy còm, cam mồm, cam mắt, bụng ỏng, đít beo, chậm lớn, chậm biết đi.

Dạng dùng thông thường là món ăn - vị thuốc như thịt cóc thái nhỏ rim, làm ruốc hoặc băm nhỏ làm chả, tráng trứng ăn với cơm hàng ngày. Có nơi, người ta chỉ dùng đùi cóc. 

Chế biến món ăn từ thịt cóc
Chế biến món ăn từ thịt cóc

Dùng làm thuốc, lấy thịt cóc đã chế biến đúng quy cách, chặt nhỏ, sấy khô giòn rồi tán bột. Trứng gà đã luộc chín, bóc lấy lòng đỏ, sấy khô, tán bột. Ba, bốn miếng vỏ quả chuối ngự cũng phơi khô, tán bột. Trộn dều ba thứ bột, luyện với mật làm thành viên. Mỗi viên gồm 1g bột cóc, 0,2g lòng đỏ trứng và 1,4g vỏ chuối. Trẻ em từ 1 đến 3 tuổi, mỗi ngày uống 3- 9 viên chia làm 3 lần, từ 4 tuổi trở lên, tăng dần liều lượng cho thích hợp (Kinh nghiệm của ông Nguyễn Trọng Cầu- Viện Y học cổ truyền). 

Tuệ Tĩnh (Nam được thần hiệu) đã dùng cóc bọc trong đất sét, nung cho cháy khô, lấy ra, bỏ đất, tán cóc thành bột, lấy 10g trộn với Hoàng Liên (10g), thanh đại (4g), xạ hương (1g) đã tán thành bột, xát vào chỗ lở loét chữa cam tẩu mã. Hoặc lấy 2 con cóc đã bỏ đa và phủ tạng, thái nhỏ cùng với 4g sa nhân hoặc hồ tiêu, nhồi vào dạ dày lợn, nấu chín, rối bỏ cóc đi, ăn hết trong ngày để chữa thuỷ thũng. 

Có thể chế cao các chữa mụn nhọt với các dược liệu khác theo cách làm sau: Cóc vàng (1 con) bọc đất, đốt tồn tính, rồi lấy ra, tán bột. Củ ráy dại (100g), củ nghệ vàng (50g), cạo sạch vỏ, thái mỏng, cho vào Dầu Vừng (500 ml), đun sôi đến khi các dược liệu quắt lại thì vớt ra, tiếp tục cho sáp ong (30g) khuấy cho tan. Sau cùng, cho bột cóc và nhựa thông (vừa đủ) để được một khối cao sền sệt. Để nguội, phết thuốc lên từng miếng giấy nhỏ. Khi dùng, hơ nóng thuốc rồi đắp vào chỗ sưng đau. 

Để chữa mẩn ngứa, ở một số địa phương. người ta nấu cháo thịt cóc và thịt rắn nước ăn hàng ngày.

7.2 Nhựa cóc

Nhựa cóc được dùng để chữa một số bệnh hiểm nghèo. Thông thường có biệt dược "Lục thần hoàn" chữa sốt cao, trúng độc, mê man, co giật. Thuốc gồm nhựa cóc (1g), xạ hương (1g), ngưu hoàng (1,5g), hùng hoàng (1g), trân châu (1,5g), băng phiến (1,5g) và được bào chế theo cách sau:

  • Nhựa cóc ngâm với ít rượu cho tan, rồi đánh đều với các dược liêu đã tán thành bột mịn để được một khối đồng nhất.
  • Làm viên nhỏ bằng hạt cải bao ngoài bằng bồ hóng bếp (bách thảo sương).
  • Ngày uống 1- 2 lần, mỗi lần 5- 10 viên. 

Theo tài liệu nước ngoài, chất cynobufagin, chiết được từ nhựa cóc, có tác dụng lên tim mạch tốt hơn digitalin (hoạt chất của cây dương địa hoàng - Digitalis purpurea L.) vì không tích luỹ. Nó còn có khả năng giải độc do barbituric, giảm biến chứng sốc trong trường hợp bị bỏng nặng và có tác dụng điều trị u ác tính. 

7.3 Mật cóc

Mật cóc ít được sử dụng. Nhưng để chữa mụn nhọt, đôi khi người ta lấy mật cóc trộn với cao mềm bồ cu vẽ và nghệ vàng làm thành cao dán mà dùng. Kết quả khỏi bệnh đạt hơn 50%. 

Một số công dụng
Một số công dụng

8 Phụ nữ có thai và cho con bú

Tuy giàu dinh dưỡng nhưng phụ nữ có thai không nên sử dụng thịt cóc để bồi bổ khi có nhiều sự lựa chọn khác, các thực phẩm khác giàu dinh dưỡng và an toàn hơn.

Đối với nhựa cóc, bà bầu và mẹ cho con bú không được sử dụng.

9 Tài liệu tham khảo

  1. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam Tập 1 (Xuất bản năm 2006). Cóc trang 1102 - 1104, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 05 tháng 08 năm 2023.
  2. Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam (Xuất bản năm 2004). Nhựa cóc trang 965 - 969, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Truy cập ngày 05 tháng 08 năm 2023.

Các sản phẩm có chứa dược liệu Con Cóc

1/0
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

hotline
0868 552 633
0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633