1. Trang chủ
  2. Cơ Xương Khớp
  3. Bệnh viêm cột sống dính khớp - Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị

Bệnh viêm cột sống dính khớp - Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị

Bệnh viêm cột sống dính khớp - Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị

Trungtamthuoc.com - Viêm cột sống dính khớp (VCSDK) là bệnh  lý viêm khớp mạn tính. Bệnh gây đau nhức, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sinh hoạt của người bị bệnh. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn đọc kiến thức xung quanh về bệnh viêm cột sống dính khớp.

1 Viêm cột sống dính khớp (Ankylosing spondylitis) là gì?

Viêm cột sống dính khớp tên tiếng anh là Ankylosing spondylitis, là bệnh lý viêm khớp mạn tính. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng đau và cứng và tổn thương khớp cùng chậu, cột sống và các khớp chi dưới. Nam giới dễ mắc bệnh hơn nữ giới. Tỷ lệ nam giới bị bệnh cao gấp 2 - 3 lần nữ giới. [1]

Nếu không được điều trị sớm và đúng cách sẽ tiến triển nặng theo thời gian dẫn đến cột sống kém linh hoạt, gây viêm, dính các khớp cột sống và khớp ngoại biên, cột sống dần gù vẹo, mất chức năng, thậm chí có thể dẫn đến liệt nửa người hoặc toàn thân. 

Trong một số trường hợp, bệnh còn ảnh hưởng đến các khớp khác trong cơ thể như khớp háng, khớp gối, bàn chân, dây chằng, đôi khi còn ảnh hưởng đến các bộ phận khác như tim, gan, phổi.

Hình ảnh cột sống bị viêm
Hình ảnh cột sống bị viêm

2 Nguyên nhân của bệnh viêm cột sống dính khớp

Nguyên nhân chính xác của bệnh viêm cột sống dính khớp hiện nay vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy bệnh lý phần lớn có liên quan đến yếu tố di truyền.

Những nghiên cứu chỉ ra rằng đa phần những người mắc bệnh đều mang gen là HLA-B27 - một gen quy định kháng nguyên bạch cầu người. Có 90% những người bị VCSDK có hiện diện gen HLA - B27.

Có sự khác biệt phân phối HLA-B27 giữa các chủng tộc và sắc tộc.

Khoảng 90% bệnh nhân da trắng mắc VCSDK có gen HLA-B27. Trong khi người da đen châu Phi và ở Nhật Bản gần như không có ghi nhận bệnh nhân VCSDK và gen HLA-B27 (tỷ lệ B27 <1%).

Ở người Mỹ gốc Phi, do sự pha trộn chủng tộc với người da trắng,có khoảng 2% sở hữu HLA-B27, nhưng chỉ có khoảng 50% bệnh nhân da đen mắc VCSDK sở hữu B27. Điều này dẫn đến hệ quả người Mỹ gốc Phi bị ảnh hưởng ít thường xuyên hơn nhiều so với người da trắng Mỹ. 

Nếu có người thân trong gia đình (cha mẹ ruột, anh chị em, con cái) mắc bệnh, khả năng bị VCSDK tăng gấp nhiều lần.

3 Đối tượng dễ mắc bệnh viêm cột sống dính khớp

Viêm cột sống dính khớp là bệnh phổ biến trên toàn thế giới. Bệnh hay gặp nhất ở nam giới và thường xuất hiện ở trước tuổi 35 và chỉ có một số trường hợp bệnh xuất hiện sau 45 tuổi.

3.1 Các yếu tố rủi ro

Giới tính: Như đã nói ở trên, nam giới có nhiều khả năng mắc bệnh viêm cột sống dính khớp hơn nữ giới.

Độ tuổi: Khởi phát thường xảy ra ở tuổi vị thành niên, có khi gặp ở độ tuổi trưởng thành sớm. [2] 

Yếu tố di truyền: Hầu hết những người bị viêm cột sống dính khớp có gen HLA-B27.

3.2 Triệu chứng của bệnh viêm cột sống dính khớp

Các dấu hiệu sau đây thường là các dấu hiệu sớm nhất của bệnh viêm cột sống dính khớp:

Đau lưng mạn tính kéo dài trên 3 tháng, có thể đi kèm các triệu chứng cứng khớp  mức độ nhẹ đến nặng.

Khởi phát thường ở người trẻ, đối tượng chủ yếu là nam giới.

Đau lưng kéo dài do VCSDK (bệnh AS)
Đau lưng kéo dài do VCSDK (bệnh AS)

Đau vào buổi sáng và thời gian không hoạt động, đau nhiều trong khoảng thời gian từ đêm về sáng.

Đau ở cột sống thắt lưng, đau vùng thắt lưng, khớp xương cùng chậu. Cơn đau có thể khu trú và lan rộng ra cùng cột sống, lan ra vùng mông, có thể đau một hoặc hai mông.

Đau hoặc viêm ở hông, gây tình trạng sốt cao, sốt kéo dài liên tục, gây mệt mỏi, hoặc có khi đau ở nơi mà gân và dây chằng bám vào xương.

Các bộ phận khác của cơ thể cũng xuất hiện đau nhức như: sụn giữa xương ức và xương sườn, gây tình trạng khó thở hoặc đau khi thở sâu. Đau khớp vai và khớp hông. Đỏ hoặc đau ở một hoặc cả hai bên mắt.

Một số trường hợp đặc biệt, có thể viêm khớp ngoại vi đơn độc. Người bệnh chủ yếu là người trẻ tuổi, sưng đau một hoặc vài khớp lớn như: khớp háng, khớp gối, khớp cổ chân kéo dài nhưng không tìm được chẩn đoán nào khác. Khi đó bác sĩ cũng nên nghĩ đến chẩn đoán VCSDK.

Theo thời gian, các triệu chứng trên sẽ tồi tệ hơn, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người bệnh. Bệnh nhân có các biểu hiện trên, sẽ cảm thấy mệt mỏi, mất cảm giác ngon miệng, ngủ kém, khó chịu trong người, giảm cân mà không cần cố gắng. Nếu không chữa trị kịp thời, có thể gây những biến chứng vô cùng nguy hiểm.

4 Chẩn đoán xác định viêm cột sống dính khớp

4.1 Bệnh án của bệnh viêm cột sống dính khớp

4.1.1 Thăm khám lâm sàng

Tiền sử hay hiện tại có vùng đau và cứng vùng cột sống thắt lưng kéo dài trên 3 tháng.

Hạn chế vận động cột sống thắt lưng cả 2 hướng trước sau và sang bên gồm các tư thế: cúi, ngửa, nghiêng, quay.

Độ giãn lồng ngực giảm, giới hạn vận động lồng ngực so với tuổi và giới.

4.1.2 Chẩn đoán viêm cột sống dính khớp bằng Xquang

Tiêu chuẩn hình ảnh học:

Viêm khớp cùng chậu hai bên từ độ II trở lên.

Viêm khớp cùng chậu một bên ở giai đoạn III hoặc IV. 

Chẩn đoán viêm cột sống dính khớp khi có 1 tiêu chuẩn hình ảnh học và ít nhất 1 tiêu chuẩn lâm sàng.

4.2 Chẩn đoán viêm cột sống dính khớp bằng MRI

Các nghiên cứu gần đây đã sử dụng MRI thay cho Xquang trong việc đánh giá chẩn đoán sớm bệnh VCSDK. Tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán VCSDK là sự hiện diện của viêm khớp cùng chậu.

Viêm khớp cùng chậu trên MRI xảy ra sớm hơn các thay đổi trên Xquang thường quy.

Vậy nên dấu hiệu nhận biết sớm VCSDK được khuyến cáo về định hướng chẩn đoán bao gồm: dấu hiệu thay đổi trên MRI: có xuất hiện viêm khớp cùng chậu, xét nghiệm HLA-B27 dương tính (trên 80% các trường hợp dương tính), đau cột sống thắt lưng mãn tính. Ngoài ra còn xem xét yếu tố các thành viên trong gia đình mắc bệnh lý trong nhóm bệnh lý cột sống thể  huyết thanh âm tính (viêm cột sống dính khớp, viêm khớp phản ứng,...)

5 Viêm cột sống dính khớp nguy hiểm không?

Viêm cột sống dính khớp là bệnh lý xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới. Bệnh nhân VCSDK nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến biến chứng vô cùng nặng nề và khó khắc phục: 

Dính khớp cột sống làm bệnh nhân nặng thêm tình trạng gù vẹo, biến dạng cột sống, cột sống cong vẹo, cản trở sinh hoạt hàng ngày.

Dính liền khớp cột sống và các khớp ngoại biên. Dính liền khớp cột sống với khớp háng, khớp gối gây khó khăn trong việc đi lại, hậu quả là đi hai hàng, đau nhức khi di chuyển, cản trở hoạt động đi lại bình thường. [3] 

Bệnh viêm cột sống dính khớp gây gù vẹo cột sống
Bệnh viêm cột sống dính khớp gây gù vẹo cột sống

Nén gãy xương và làm tăng mất khoáng xương. Bệnh gây mất khoáng xương nghiêm trọng, do đó, dễ gây loãng xương và tăng nguy cơ gãy xương. Các đốt sống bị suy yếu có thể gãy xẹp, gãy lún đốt sống, gây áp lực và có thể làm tổn thương tủy sống và các dây thần kinh đi qua cột sống.

Viêm mắt (viêm màng bồ đào): Đây là biến chứng phổ biến nhất của viêm cột sống dính khớp. Bệnh lý này xuất hiện có thể gây đau mắt, đau ở một bên hoặc lan ra hai bên mắt, mắt tăng nhạy cảm với ánh sáng, mắt mờ dần, ảnh hưởng đến thị lực nghiêm trọng.

Vấn đề về tim: Viêm cột sống dính khớp gây ảnh hưởng đến động mạch chủ, có thể bị viêm. Khi bị viêm, động mạch chủ phình to ra, gây biến dạng mạnh van động mạch chủ, làm suy yếu chức năng của van tim, dẫn đến lưu lượng tuần hoàn bị ảnh hưởng.

Lồng ngực: Dính khớp xương sườn làm xương trở nên cứng và kém linh hoạt, làm cứng lồng xương sườn, gây hạn chế vận động lồng ngực, hạn chế dung lượng của phổi, chức năng hô hấp bị giảm sút, gây khó thở, thở cảm thấy mệt, đau ngực khi thở sâu.

Thần kinh: Do các đốt sống dính liền với nhau, lâu ngày sẽ tạo thành sẹo trong những bó dây thần kinh ở cột sống. Nếu kéo dài có thể gây liệt nửa người, liệt toàn thân.

6 Bệnh viêm cột sống dính khớp có ảnh hưởng đến sinh sản không?

Ở cả nam và nữ, bệnh viêm cột sống dính khớp gây ảnh hưởng đến chức năng sinh sản và đời sống tình dục.

Bệnh viêm cột sống dính khớp gây mệt mỏi, ảnh hưởng đến tâm lý
Bệnh viêm cột sống dính khớp gây mệt mỏi, ảnh hưởng đến tâm lý

Với nam giới:  Bệnh làm giảm cả số lượng và chất lượng tinh trùng. Cộng với đó là biến chứng có thể có do hệ thần kinh bị ảnh hưởng, gây rối loạn sinh dục, ảnh hưởng đến tâm lý, giảm khả năng thụ tinh.

Đối với nữ giới: ảnh hưởng rất lớn trong quá trình mang thai do hiện tượng đau nhức lưng, mỏi hông, mệt mỏi,... 

7 Thuốc điều trị viêm cột sống dính khớp 

7.1 Thuốc chống viêm không steroid

Thuốc chống viêm không steroid thường là lựa chọn đầu tay của bác sĩ để điều trị giảm đau và giảm viêm cho bệnh nhân. Chỉ định trong trường hợp bệnh nhân bị viêm cột sống dính khớp có triệu chứng đau và/ hoặc cứng khớp. Thuốc có thể sử dụng trong thời gian dài nếu tình trạng viêm đau kéo dài. Bệnh nhân cần theo dõi thường xuyên bởi các tác dụng không mong muốn của thuốc trên dạ dày, thận, tim mạch khi điều trị dùng các thuốc này.

Có  nhiều hoạt chất thuộc nhóm thuốc chống viêm không steroid được sử dụng rộng rãi như: Ibuprofen, Diclofenac, Piroxicam, rofecoxib,...

Dưới đây trung tâm thuốc xin giới thiệu hai dược chất thuộc nhóm chống viêm không steroid ít gây tác dụng đến đường tiêu hóa như celecoxib và meloxicam.

7.1.1 Celecoxib 

Công dụng: 

Cơ chế: phong bế các enzyme làm nhiệm vụ sản sinh ra chất trung gian hóa học prostaglandin - chất gây khởi phát quá trình viêm.Từ đó làm giảm nồng độ của prostaglandin nên giúp giảm viêm. 

Có tác dụng hạ sốt, giảm đau, chống viêm, làm giảm các triệu chứng sưng nóng đỏ đau.

Celecoxib là thuốc gây ít tác dụng phụ lên đường tiêu hóa, giảm nguy cơ gây loét dạ dày hơn các thuốc cùng nhóm như: aspirin, diclofenac,...

Đối tượng dùng: 

Hỗ trợ điều trị các bệnh nhân đang điều trị các bệnh xương khớp: viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp,...

Điều trị chứng đau cấp, các trường hợp đau sau phẫu thuật, nhổ răng.

Thận trọng khi dùng thuốc:

Thận trọng với người có bị hoặc có tiền sử bị viêm loét dạ dày tá tràng, chảy máu đường tiêu hoá.

Thận trọng với người có cơ địa bị dị ứng khi dùng Aspirin hoặc thuốc chống viêm không steroid, người bị hen phế quản.

Thận trọng khi dùng thuốc trên người lớn tuổi, suy nhược cơ thể vì dễ gây chảy máu đường tiêu hóa kèm chức năng thận suy giảm do tuổi cao.

Thận trọng trong trường hợp suy giảm chức năng gan, thận, người bị phù, giữ nước.

Trên thị trường có nhiều thuốc có chứa hoạt chất Celecoxib này như: thuốc Maxx Flame-C, Vicoxib, Conoges,... 

Hình ảnh ví dụ sản phẩm thuốc có chứa Celecoxib
Hình ảnh ví dụ sản phẩm thuốc có chứa Celecoxib

7.1.2  Meloxicam

Công dụng:

Công dụng của meloxicam:

Là một loại oxicam thuộc nhóm thuốc NSAIDs, ức chế chọn lọc COX-2.

Tác dụng của Meloxicam là giảm đau, hạ sốt, chống viêm mạnh.

Cơ chế: Meloxicam ức chế tạo ra chất trung gian gây viêm là Prostaglandin, giảm nồng độ của prostaglandin. Giảm mạnh triệu chứng viêm do đó giảm đau và hạ sốt nhanh chóng.

Đối tượng dùng:

Bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp hay dính khớp.

Bệnh nhân bị viêm cột sống kéo dài cũng có thể sử dụng.

Bệnh nhân thoái hóa khớp, hỏng khớp.

Một vài sản phẩm thuốc trên thị trường hiện nay có chứa Meloxicam bạn đọc có thể tham khảo đó là: mepedo, coxicam, Mobic,...Để hiểu rõ hơn về cách dùng từng loại thuốc, bạn đọc có thể truy cập vào đây và ấn vào từng thuốc cụ thể để tìm hiểu. 

Một ví dụ về hình ảnh thuốc có chứa hoạt chất Meloxicam
Một ví dụ về hình ảnh thuốc có chứa hoạt chất Meloxicam

7.2 Thuốc giảm đau

Tùy thuộc vào mức độ đau của người bệnh, sẽ được bác sĩ chỉ định thuốc giảm đau phù hợp. Paracetamol là một dược chất phổ biến trong điều trị giảm đau, được chỉ định trong trường hợp người bệnh bị đau nhẹ hoặc đau vừa. 

Cần lưu ý thuốc có thể gây một số tác dụng không mong muốn như:

Gây nguy cơ suy gan, hoại tử gan nếu uống quá liều hoặc dùng cùng các chất độc với gan như bia, rượu.

Giảm số lượng bạch cầu, giảm số lượng bạch cầu trung tính, giảm huyết cầu,... nếu dùng liều cao kéo dài.

Dị ứng da, mẩn đỏ, ngứa,...

Paracetamol trên thị trường được bào chế dưới nhiều dạng như: Viên nén, viên sủi, dung dịch uống,...Hoặc có thể phối hợp với một số hoạt chất khác để có hiệu quả kháng viêm như: ibuprofen, diclofenac,...

Một số thuốc trên thị trường có chứa hoạt chất này như Hapacol đau nhức, viên sủi hapacol,...

7.3 Thuốc giãn cơ

Có thể có nhiều hoạt chất có tác dụng giãn cơ như Eperisone, Tolperisone, mephenesin,...

Các chất này dùng trong trường hợp bệnh nhân bị tăng trương lực cơ, gây co cứng, không hoạt động bình thường. 

Khi dùng phải chú ý thận trọng với những bệnh nhân suy gan, suy thận vì thuốc có thể gây tác dụng không mong muốn trên các cơ quan này.

7.4 Glucocorticoids đường tiêm

Glucocorticoid không được khuyến cáo dùng đường toàn thân, vì có thể gây những hậu quả do các tác dụng không mong muốn trên toàn cơ thể:

  • Trên chuyển hóa glucid: thúc đẩy tạo Glucose từ protid, tập trung thêm glycogen ở gan, giảm sử dụng glucose của các mô. Hệ quả làm tăng glucose máu, làm nặng thêm bệnh đái tháo đường.
  • Chuyển hóa lipid: có tác dụng huỷ lipid trong các tế bào mỡ, làm tăng acid béo tự do. Thuốc phân bố lại lipid trong cơ thể, làm mỡ đọng nhiều ở mặt cổ, nửa thân trên. Nhưng lại làm nửa thân dưới teo lại.
  • Chuyển hóa muối nước: Tăng tái hấp thu natri, tăng thải Kali, gây phù.

Vì thế, nên khuyến cáo sử dụng tiêm corticosteroids tại chỗ thay vì đường toàn thân. Sử dụng trong trường hợp bệnh nhân:

Chỉ định tiêm tại chỗ với các trường hợp viêm các điểm bám gân hoặc các khớp ngoại biên có tình trạng viêm kéo dài.

 Nếu là khớp háng, nên tiêm dưới hướng dẫn của siêu âm.

Thuốc sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ và nhân viên y tế thực hiện y lệnh. Nếu tiêm liên tục, tiêm quá liều có thể gây:

  • Xơ cứng khớp, chức năng vận động của khớp suy giảm.
  • Hệ gân và dây chằng dính lại với nhau, phải phẫu thuật cắt bỏ gân, không thể phục hồi chức năng, có thể bị mất chức năng vận động hoàn toàn.
  • Lệ thuộc thuốc, số lần dùng thuốc tăng và liều dùng tăng, có thể gây quá liều.

7.5 Thuốc ức chế miễn dịch

Nếu các thuốc NSAIDs không hữu ích, bác sĩ có thể khuyến cáo bệnh nhân dùng các thuốc ức chế miễn dịch như methotrexate, hydrochloroquin, salazopyrin,...

Việc sử dụng các thuốc này phải có chỉ định của bác sĩ.  Trong quá trình dùng thuốc, bệnh nhân được theo dõi chặt chẽ các chỉ số và phải nằm viện theo dõi. 

Việc dùng thuốc sai liều và sai cách dùng có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho tính mạng.

Dưới đây, trung tâm thuốc giới thiệu cho bạn đọc các thông tin một hoạt chất thuộc nhóm chất ức chế miễn dịch là methotrexate. 

Methotrexate 

Công dụng:

Methotrexat có tác dụng ức chế miễn dịch và chống viêm. Thuốc được sử dụng trong điều trị viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, các bệnh tự miễn như lupus ban đỏ, bệnh hệ thống.

Đối tượng sử dụng:

Bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp nặng

Bệnh nhân có các khối u như: Ung thư bạch cầu, ung thư nhau thai, ung thư vú, ung thư da vùng đầu và cổ, ung thư phổi, u sùi nấm nặng. Thuốc dùng đơn độc hoặc phối hợp với các thuốc trị ung thư khác.

Điều trị u bạch huyết ở giai đoạn nặng khi dùng đồng thời với các thuốc khác.

Điều trị các loại vảy nến không đáp ứng được với các thuốc thông thường khác.

Liều dùng: 

Tùy vào đối tượng sử dụng, thể trạng bệnh nhân, mức độ và mục đích điều trị mà dùng liều khác nhau. Phải tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ.

Thận trọng:

Thận trọng khi dùng thuốc cho người mắc các bệnh về gan thận,

Thận trọng khi dùng thuốc cho trẻ em, người lớn tuổi.

Các thuốc có hoạt chất Methotrexate như: Methotrexate-Belmed, Terrence, Metrex,...

Thuốc Metrex tại Central Pharmacy
Thuốc Metrex tại Central Pharmacy

7.6 Phẫu thuật viêm cột sống dính khớp

Thực hiện phẫu thuật với các bệnh nhân có biểu hiện đau và thương tổn nghiêm trọng ở vùng cột sống thắt lưng hoặc ở vùng hông. Các phẫu thuật có thể là:

Thay khớp háng: chỉ định khi bệnh nhân đau kéo dài, ảnh hưởng lớn đến vận động và trên hình ảnh X quang có sự phá hủy cấu trúc rõ ràng.

Phẫu thuật chỉnh hình đối với cột sống: Thực hiện khi cột sống biến dạng cần can thiệp.

Ở bệnh nhân viêm cột sống dính khớp có gãy đốt sống cấp tính: xét chỉ định phẫu thuật.

Một vài cơ sở khám chữa bệnh uy tín mà bạn đọc có thể tham khảo để điều trị bệnh viêm cột sống dính khớp tại Hà Nội đó là: bệnh viện 108 - chữa viêm cột sống dính khớp, bệnh viện Bạch Mai, viện đại học Y Hà Nội….

8 Bệnh viêm cột sống dính khớp kiêng ăn gì?

Với những bệnh nhân mắc bệnh viêm cột sống dính khớp, chế độ ăn có ảnh hưởng lớn đến quá trình điều trị của bệnh. Hạn chế ăn những thực phẩm, nước uống 

Rượu, bia:  đây là loại thực phẩm được khuyến cáo không nên sử dụng hàng đầu. Sử dụng rượu bia gây ảnh hưởng đến gan, cản trở hấp thu chất dinh dưỡng như Vitamin B1,các khoáng chất, các nguyên tố vi lượng,... làm tổn thương niêm mạc dạ dày. 

Quan trọng hơn, những người bị viêm cột sống dính khớp đa số sử dụng rất nhiều thuốc để điều trị. Sử dụng rượu còn có thể gây tương tác có hại với các thuốc, làm giảm tác dụng của thuốc, giảm hiệu quả điều trị.

Không dùng rượu, bia và đồ uống có ga
Không dùng rượu, bia và đồ uống có ga

Thuốc lá: Việc hút thuốc lá gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp, mà đặc biệt là phổi, gia tăng biến chứng của bệnh lên phổi. Nên cai thuốc lá khi điều trị bệnh.

Cafe: Việc sử dụng nhiều cafe gây giảm hấp thu canxi, dễ dẫn đến thiếu hụt Canxi cho xương, làm bệnh trầm trọng hơn.

Đồ uống có ga:  Axit photphoric trong đồ uống có ga là nguyên nhân chính gây hại. Chất này tăng đào thải canxi ra khỏi cơ thể thông qua đường tiết niệu. Điều này làm tăng nguy cơ thiếu canxi, tăng khả năng loãng xương, khiến bệnh tiến triển nặng thêm.

Thực phẩm chứa nhiều muối, đường: Các loại thực phẩm nhiều muối chứa nhiều natri, gây tăng đào thải canxi. Thực phẩm chứa nhiều đường gây tăng phản ứng viêm, làm bệnh nhân đau hơn.

Thực phẩm giàu omega 6 và nhiều dầu mỡ: như lòng đỏ trứng, thịt đỏ, gan động vật,...Nghiên cứu khoa học của Trường y khoa Harvard chứng minh rằng, chất omega-6 có thể khiến bệnh nhân đau nhức hơn, cơn đau kéo dài hơn.

9 Bệnh viêm cột sống dính khớp nên ăn gì?

Thực phẩm giàu acid béo omega-3: bột ngũ cốc, Hạt Lanh, quả óc chó, cá biển,...là những thực phẩm giàu omega-3. Chúng có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm và giảm sưng.

 Nghiên cứu cho thấy, sử dụng omega-3 làm ổn định nhân nhầy của đĩa đệm. Omega-3 còn có công dụng chống oxy hóa, giúp chậm thoái hóa, phục hồi các tế bào tổn thương, giúp tăng độ linh hoạt và độ đàn hồi.

Các thực phẩm giàu axit béo omega-3
Các thực phẩm giàu axit béo omega-3

Thực phẩm giàu canxi như: cá hồi, cá mòi, phô mai, cải bó xôi,... có tác dụng tốt cho xương, cung cấp canxi cho xương, giúp xương khỏe mạnh rắn chắc hơn.

Thực phẩm giàu Vitamin D như: bông cải xanh, hạnh nhân, các loại sữa,... làm tăng hấp thu canxi, làm cải thiện tình trạng xương.

Uống nhiều nước: làm thanh lọc cơ thể, tăng đào thải độc tố, giảm viêm, giảm đau.

Bổ sung vitamin và khoáng chất: giúp tăng cường miễn dịch, thể trạng khỏe mạnh, nâng cao sức bền của cơ thể, tăng tái tạo sụn khớp.

Men vi sinh như sữa chua, váng sữa,... Trong quá trình điều trị, do sử dụng lượng lớn các loại thuốc mà cơ thể mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, vì thế bổ sung các thực phẩm này giúp cơ thể khỏe mạnh, cân bằng hệ vi sinh, hấp thu các chất dinh dưỡng đầy đủ hơn.

10 Các bài tập cho người bị viêm cột sống dính khớp 

Đi tập vật lý trị liệu theo chỉ dẫn. Việc đi tập là việc làm cần thiết để bạn có thể nắm được các bài tập, giữ cho lưng và các khớp khác linh hoạt hơn.  Từ đó, giúp giảm các cơn đau, sinh hoạt cuộc sống bình thường.Bạn cũng có thể học các bài tập thở sâu để giúp ngực mở rộng hoàn toàn khi bạn thở.

Bài tập vật lý trị liệu cho người bị viêm cột sống dính khớp
Bài tập vật lý trị liệu cho người bị viêm cột sống dính khớp

Duy trì tư thế tốt gồm tư thế ngồi thẳng và đứng thẳng. 

Nên ngồi trên những chiếc ghế thẳng, lưng tựa vào lưng ghế. Nếu làm việc bằng máy tính hoặc bàn, tuyệt đối không nghiêng người và đầu cổ về trước. 

Tư thế ngủ đúng cách: nằm ngửa, hạn chế nằm nghiêng, gù lưng tôm một bên. Nằm trên một tấm nệm chắc chắn, không sử dụng gối dưới đầu là tốt nhất.

 Tập thể dục thường xuyên. Bơi lội là phương pháp tập luyện hiệu quả nhất, giúp các khớp linh động, giảm đau và tăng sự dẻo dai cho khớp toàn thân.

Tránh các hoạt động nặng như nâng nhấc vật nặng, làm việc quá sức. Điều đó có thể làm căng cơ lưng của bạn. Tránh các hoạt động thể thao như chạy bền, bật nhảy,...

11 Cách phòng bệnh viêm cột sống dính khớp

Suy nghĩ tích cực. Việc quá lo lắng sẽ làm cho bạn bị căng thẳng, stress, người mệt mỏi, dẫn đến cơ thể suy nhược và làm tình trạng đau kéo dài hơn.

Tránh các tư thế xấu có hại cho lưng, tránh nâng nhấc vật nặng.

Vệ sinh cá nhân sạch sẽ.

Áp dụng nhiệt và lạnh cho việc giảm đau:

Nếu gặp trình trạng cứng khớp và cơ bắp căng, hãy lấy nệm ấm để xoa bóp.

Nếu bị đau do viêm, hãy chườm nước đá sạch lên chỗ viêm, sẽ khiến bệnh nhân đỡ đau hơn.

Duy trì thói quen ăn uống lành mạnh: ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước, hạn chế dầu mỡ, đồ ăn nhanh....

Ngừng hút thuốc: Nếu bạn đang hút thuốc, hãy bỏ thuốc lá ngay. Thuốc lá làm tăng biến chứng lên phổi, có thể làm nặng thêm tình trạng khó thở và đau nhức.

Khám tổng quát định kỳ tại cơ sở khám chữa bệnh ít nhất 6 tháng 1 lần, nếu có các dấu hiệu như đau lưng, đau hông, đau khớp háng,... cần theo dõi chặt chẽ để phát hiện và điều trị bệnh sớm nhất.

Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên bằng cách bài tập đã nói ở trên. Việc luyện tập thể thao khiến cơ thể dẻo dai, duy trì sự linh hoạt của khớp, giảm đau cứng khớp và giúp cải thiện  tư thế. [4] 

Hy vọng qua bài viết này đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin cần thiết để hiểu hơn về bệnh viêm cột sống dính khớp.

Tài liệu tham khảo

  1. ^   Susan Bernstein (Ngày đăng 06 tháng 10 năm 2021). What Is Ankylosing Spondylitis?, WebMD. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2022 
  2. ^ Chuyên gia của Drugs.com (Ngày cập nhật 5 tháng 1 năm 2022). Ankylosing Spondylitis, Drugs.com. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2022
  3. ^ Chuyên gia của Mayo Clinic (Ngày đăng 25 tháng 11 năm 2021). Ankylosing spondylitis,  Mayo Clinic. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2022 
  4. ^  Wei Zhu, Xuxia He, Kaiyuan Cheng, Linjie Zhang, Di Chen, Xiao Wang, Guixing Qiu và Xisheng Weng (Ngày đăng 5 tháng 8 năm 2019). Ankylosing spondylitis: etiology, pathogenesis, and treatments, NCBI. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2022

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
  • 2 Thích

    Bệnh viêm cột sống dính khớp nên kiêng ăn gì?


    Thích (2) Trả lời
(Quy định duyệt bình luận)
Bệnh viêm cột sống dính khớp - Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị 5/ 5 1
5
100%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%
Chia sẻ nhận xét
Đánh giá và nhận xét
  • Bệnh viêm cột sống dính khớp - Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị
    TT
    Điểm đánh giá: 5/5

    Bệnh viêm cột sống dính khớp - Nguyên nhân, triệu chứng, hướng dẫn điều trị cung cấp cho tôi rất nhiều thông tin bổ ích. Cảm ơn tác giả.

    Trả lời Cảm ơn (3)
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

hotline
0868 552 633
0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633